Chuyên gia địa ốc ủng hộ hạn chế dự án mới ở nội đô TP HCM

Tin thị trường

Theo ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Đầu tư Công ty Savills Việt Nam - các yếu tố hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng ngầm dưới đất như điện, nước, xử lý nước thải... ở khu vực nội đô TP HCM đều dựa trên quy hoạch đã có từ trước năm 1975. Các tác động trong giai đoạn sau này nếu có, cũng chỉ là trùng tu hoặc nâng cấp. Do đó, việc phát triển liên tục các dự án nhà ở cao tầng tại khu vực này có thể dẫn đến quá tải khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng, gây ra nhiều hệ lụy.

"Việc hạn chế các dự án ở vùng trung tâm TP HCM, tôi cho là hợp lý. Một vị trí vốn được quy hoạch làm công sở mà chuyển sang làm dự án nhà ở cao tầng, quy mô chỉ cần 300-500 căn hộ thôi thì cơ sở hạ tầng ở đó ngay lập tức sẽ không chịu nỗi, đặc biệt là hạ tầng ngầm", ông Khương nhận định.

Trao đổi với VnExpress, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM nhận định việc khoanh vùng những địa bàn không cấp phép dự án mới là điều cần thiết, tăng thêm công cụ kiểm soát, điều tiết thị trường bất động sản, bên cạnh các công cụ tài chính (chính sách thắt chặt tín dụng).

Bên cạnh các yếu tố hạ tầng kỹ thuật, ông Châu đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng kẹt xe ngày càng gia tăng và chưa thể giải quyết dứt điểm. Sự tích tụ các dự án nhà ở, đặc biệt là chung cư cao tầng trong nhiều năm liên tiếp đã khiến hạ tầng giao thông đô thị "ngộp thở".

Tuy nhiên, ông Châu cũng lưu ý điểm hạn chế của chính sách này là tạo nên tình trạng độc quyền, độc chiếm thị phần đối với các dự án đã được chấp thuận đầu tư hiện hữu tại khu trung tâm.

"Điều này có thể gián tiếp đẩy giá nhà lên cao bất chấp thời gian qua thị trường bất động sản đã nhiều lần thiết lập mặt bằng giá mới", ông Châu nhận xét.

Đồng ý rằng những dự án đang triển khai hoặc được cấp phép tại khu vực nội đô TP HCM sẽ có cơ hội tăng giá từ chủ trương siết cấp phép dự án mới, nhưng theo ông Khương, đây là diễn biến bình thường của cơ chế thị trường. Ở lĩnh vực nào cũng vậy, sản phẩm khan hiếm thì giá sẽ trở nên đắt đỏ.

Hơn nữa, ông cho rằng, về lâu dài, khi dân số ngày càng tăng thì giá bất động sản ở khu nội đô cũng sẽ luôn đạt giá trị cao hơn, ngay cả khi không có những chính sách vừa rồi của UBND TP HCM.

"Một số nhà phát triển bất động sản có dự án đã được cấp phép hoặc đang triển khai tại khu vực này sẽ được hưởng lợi, nhưng tôi nghĩ điều này hoàn toàn bình thường. Ở các nước trên thế giới, giá căn hộ ở trung tâm đô thị lớn lúc nào cũng cao, vì người ta sẽ giảm rất nhiều chi phí đi lại", ông Khương chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Triển Vọng (Savista) - chủ trương này không đồng nghĩa với việc ngừng hẳn mà chỉ hạn chế cấp phép dự án ở các khu vực nhất định, liên quan đến sự quá tải của hạ tầng và mật độ dân số. Chủ đầu tư và người mua nhà vẫn còn rất nhiều lựa chọn tại khu vực vùng ven thành phố. Các chủ đầu tư sẽ không thể lợi dụng cơ hội này để tăng giá bán vô tội vạ, thay vào đó sẽ chăm chút sản phẩm hơn để tạo ra giá trị cho người mua.

"Các chủ đầu tư không chỉ dừng lại ở một dự án mà phát triển ra những khu vực khác, những dự án khác. Họ sẽ không vì cơ hội này mà làm mất hình ảnh trong tương lai của mình", ông Dũng đánh giá.

Ghi nhận tại dự án Central Premium (856 Tạ Quang Bửu, phường 5, quận 8) - khu vực bị hạn chế cấp phép xây dựng dự án mới, lượng khách quan tâm đến tìm hiểu dự án đã tăng mạnh từ sau chủ trương hạn chế cấp phép dự án mới, trung bình mỗi ngày tại văn phòng bán hàng dự án tiếp nhận khoảng 30-50 khách hàng. Đại diện Quốc Cường Land - đơn vị phát triển dự án thừa nhận luồng khách này ảnh hưởng tâm lý không ít từ chính sách mới. Tuy nhiên, công ty không có chủ trương tăng giá dựa trên các biến động thị trường.

"Bên cạnh yếu tố cung - cầu của thị trường, chúng tôi quan niệm giá trị dự án còn phụ thuộc rất nhiều vào vị trí, quy hoạch, chất lượng, tiện ích... Chúng tôi sẽ không vì một biến động của thị trường mà thay đổi giá sản phẩm, ảnh hưởng đến người mua", đại diện Quốc Cường Land khẳng định.

Centrel Premium sở hữu diện tích gần 40.000m2, dự án dành đến 2 tầng hầm và 6 tầng nổi để phát triển trung tâm thương mại quy mô 1.200 tỷ đồng với đầy đủ các khu vực shopping mall, mega foodcourt, khu bar - pub, spa center và khu vui chơi trẻ em. Với quy mô đó, trung tâm thương mại tại Central Premium lớn nhất tại quận 8 và thuộc top 10 tại Sài Gòn. Ngoài ra, còn có các tiện ích nổi bật như hồ bơi tràn bờ, khuôn viên đi bộ trên cao, phòng gym, khu vui chơi trẻ em... Hiện tại, dự án này đã cất nóc ngày 29/11 vừa qua và sẽ đi vào vận hành vào tháng 9 năm sau.

Tiến độ thi công thực tế tại dự án Central Premium.

Theo Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2016 - 2020 vừa được UBND TP HCM phê duyệt, thành phố định hướng hạn chế phát triển dự án mới tại khu trung tâm và nội đô. Tại khu vực trung tâm hiện hữu gồm quận 1, 3, từ nay đến năm 2020, không phát triển các dự án nhà ở mới.

Các quận nội thành gồm quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, tập trung hoàn thiện các dự án dở dang và cũng hạn chế phát triển các dự án nhà ở mới.

Đối với các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức chỉ tập trung hoàn thiện các dự án dở dang. Các địa bàn này được phép phát triển các dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn (như tuyến Metro số 1 tại các quận 2, 9, Thủ Đức) hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

Còn các huyện vùng ven Sài Gòn gồm Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Cần Giờ tập trung hoàn thiện các dự án dở dang, rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, ưu tiên phát triển nhà dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, thành phố chủ trương không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở tại các địa bàn chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

- Theo Ánh Thúy/ Vnexpress